Năm 2022 là năm đáng nhớ khi đánh dấu 72 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Cộng hòa Séc. Hai nước đã có mối quan hệ lâu dài trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, đặc biệt là thăm dò và chế biến khoáng sản và đây là một lĩnh vực hợp tác quan trọng trong mối quan hệ hai bên.

img_9377.jpg
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Nguyên phát biểu khai mạc Hội thảo

Để đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước, chiều 3/10, tại Hà Nội, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội và Bộ Công Thương Cộng hòa Séc tổ chức Hội thảo “Công nghệ tiên tiến của Cộng hòa Séc trong điều tra cơ bản về địa chất và khai khoáng”.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Nguyên ghi nhận, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ từ phía Cộng hòa Séc (Tiệp Khắc trước đây) trong công tác đo tờ lập bản đồ tỷ lệ 1/50.000 và điều tra khoáng sản. Hiện nay, Tổng cục đang được giao thực hiện các nhiệm vụ điều tra để từng bước làm rõ tổng thể các nguồn tài nguyên địa chất và khoáng sản. Bởi vậy, việc áp dụng các phương pháp kỹ thuật hiện đại và tiên tiến trong nghiên cứu địa chất và khoáng sản là việc cần thiết với Việt Nam.

Hội thảo là dịp để đại biểu hai nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và có những ý kiến đóng góp quý báu về cách tiếp cận để hợp tác bền vững trong công nghệ thăm dò và chế biến khoáng sản tại Việt Nam; đồng thời, thảo luận và đưa ra các công nghệ tiên tiến của Việt Nam và Cộng hòa Séc trong khai khoáng và chế biến khoáng sản.

Theo ông Pavel Kaniva, Vụ trưởng Vụ Nguyên liệu, Bộ Công Thương Cộng hòa Séc, với thực tế kim ngạch thương mại song phương đạt mức kỷ lục 2 tỷ USD vào năm 2021, Bộ Công Thương Cộng hòa Séc đặt mục tiêu nâng quan hệ với Việt Nam lên tầm “đối tác chiến lược” và mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành, bao gồm cả công nghệ khai khoáng và khảo sát địa chất.

Trong lĩnh vực khai khoáng, cả hai quốc gia đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong những năm trước COVID-19, trong đó, phải kể đến kết luận của Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc trong lĩnh vực điều tra địa chất, được ký vào ngày 17/4/2019 tại Praha, Cộng hòa Séc.

Bên cạnh đó, ông Kaniva cũng đề cập đến dự án Khoáng sản Công nghiệp Cộng hòa Séc – Việt, được thực hiện từ năm 2006 đến 2014. Nhờ dự án này, mỏ cát thủy tinh lớn nhất ở tỉnh Thừa Thiên – Huế và một số mỏ cao lanh có tiềm năng đáng kể ở tỉnh Phú Thọ đã được phát hiện. Các thử nghiệm công nghệ đã chứng minh sự phù hợp của những loại cát thạch anh này cho cả việc sản xuất kính chắn gió phẳng và cũng để sản xuất thủy tinh pha lê barium.

Ông Kaniva mong muốn tăng cường sự hợp tác giữa các công ty của Cộng hòa Séc và các đối tác Việt Nam, bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các doanh nghiệp Nhà nước khác, đồng thời, cung cấp công nghệ và dịch vụ hiện đại cho các mỏ và nhà máy điện của Việt Nam như hệ thống quản lý chất lượng than, hệ thống ảnh nhiệt, thiết bị điện cho các đơn vị khai thác, thiết kế mỏ ngầm và hệ thống vận tải, máy có bánh xe và đường ray, dụng cụ cầm tay thủy lực, dây thừng và cần cẩu, cũng như toàn bộ nhà máy xử lý quặng và than.

anh-2-chup-anh-luu-niem-1-(1).jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Giới thiệu về hệ thống quản lý chất lượng và phân tích than trực tuyến, ông Daniel Vacek, thành viên Ban Giám đốc Công ty TNHH ENELEX, Cộng hòa Séc chia sẻ, trong hệ thống quản lý chất lượng than, Công ty sử dụng máy phân tích chất lượng nhiên liệu trực tuyến, máy lấy mẫu nhiên liệu tự động, hình ảnh nhiệt và hệ thống camera quan sát để đảm bảo an ninh cho toàn bộ hoạt động khai thác than bao gồm cả phần mềm điều khiển đều do Công ty tự phát triển.

Hệ thống quản lý chất lượng than được quy định một cách chính xác, chất lượng và nhiệt trị không đổi của than là một thông số rất quan trọng đối với hầu hết các quá trình sử dụng than hoặc nguyên liệu thô làm nguyên liệu chính. Hệ thống còn là một tổ hợp các biện pháp công nghệ và quản trị được sử dụng để đạt được chất lượng yêu cầu đối với than thành phẩm, thỏa mãn các mục đích sử dụng đặc thù. Hệ thống này phải có khả năng đáp ứng với những thay đổi biến động của các thông số than để đảm bảo các yêu cầu chất lượng một cách hiệu quả và ổn định nhất. Sự kết hợp của các hệ thống trong một số giai đoạn chế biến than cho phép hoạt động thực tế của toàn bộ quá trình đạt được hiệu suất tối ưu.

Theo Jiří Ševčík, thành viên Ban Giám đốc Công ty ZAM Servis, hiện các sản phẩm và dịch vụ của Công ty bao gồm các hệ thống giám sát không khí, đo nồng độ, liên lạc và truyền dữ liệu, bộ điều khiển, đầu nối và thiết bị nhận dạng. Các thuộc tính chính của các sản phẩm này là khả năng làm việc an toàn và ổn định trong môi trường có nguy cơ nổ khí mê-tan, đạt độ bền và độ tin cậy khi vận hành. Tất cả các sản phẩm đều có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu theo Chỉ dẫn EU số 94/9/ EC-ATEX (Tiêu chuẩn ATEX về kiểm soát phòng, chống cháy nổ).

Đại diện các công ty của Cộng hòa Séc cũng có những chia sẻ về công nghệ thăm dò khai khoáng phức hợp và khoáng sản ẩn, sâu bằng phương pháp địa vật lý; giải pháp khai thác mỏ toàn cầu; công nghệ xử lý, vận chuyển và bảo quản nguyên vật liệu; công nghệ sử dụng dây thép chất lượng cao đa ứng dụng trong khai thác khoáng sản ẩn và sâu; hệ thống điện tổng hợp trong các khu khai khoáng hiện đại. Về phía Việt Nam, Liên đoàn Vật lý địa chất thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng giới thiệu các thiết bị địa vật lý trong công tác thăm dò khoáng sản ẩn và sâu.

Theo https://baotainguyenmoitruong.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *